Biến Chất - Chương 4
Bích Hạ tự thấy mình là đứa nhóc ngoan ngoãn, nhất là trong lớp học, chẳng biết cô giáo chủ nhiệm đã phải chuyển chỗ ngồi cho nó biết bao nhiêu lần rồi và dường như nó đã được du lịch một vòng xung quanh lớp nhưng cái tật nói chuyện và trêu chọc bạn trong giờ vẫn không thể nào từ bỏ.
Con bé hoàn toàn không hiểu, thật ra nó chính là đứa ít nói mới đúng.
Trong lớp cũng có không ít đứa có giòng máu của khỉ, phá phách, cào cấu đủ cả. Riết rồi thấy lớp học như cái xiếc. Đứa thì thích đánh nhau, đứa thì thích gây sự trêu chọc bạn bè, đứa thì hay giấu bút của cả lớp, đặc sắc hơn là đứa bạn ngồi ngay sau lưng con bé chẳng biết buổi sáng có ăn nhầm phải củ ráy không mà ngứa mồm lẩm bẩm một mình cả buổi.
Quả nhiên vừa mở sách ra, cả lớp mới yên tĩnh thì nó đã nghe tiếng niệm Phật A Di Đà ở phía sau.
Bích Hạ: “…”
Cái giống gì thế này? Niệm Phật như vậy có quá chăm chỉ không?
Con bé quay đầu nhìn Hiền một cái rồi lập tức quay đầu lại, này là bạn học tên Hiền, nhưng người chẳng giống tên chút nào. Nó cảm thấy đó là một đứa đôi khi tự cho mình là trầm cảm nhưng lại thích được chú ý. Bình thường người ta bắt chuyện Hiền sẽ không trả lời, chỉ trong giờ có đôi lúc sẽ thấy bạn học Hiền sẽ tự nói chuyện một mình.
Bích Hạ quay đầu qua lần hai thì đã thấy bạn Hiền chăm ngoan hì hục nằm trên bàn viết bài soàn soạt.
Bích Hạ: “…”
Con bé mấp máy môi định nhắc bạn Hiền đừng nằm bẹp trên bàn nhưng cứ ấp úng không dám thốt nên lời.
“Bích Hạ!” Cô giáo trừng mắt nhìn nó, nghiêm khắc nói, “Chị lại chứng nào tật nấy rồi, có muốn học nữa không? Không học thì tôi mời chị ra khỏi lớp! Viết bài đã chậm còn nói chuyện.”
“?” Bích Hạ ngơ ngác nhưng không thể phản bác, nó nhìn Hiền thì chỉ thấy bạn cười tủm tỉm.
Có vẻ như từ đấy về sau không có nhiều bạn học thích nó cho lắm. Vì nó mà cô đã ra một luật lệ mới.
“Ai nói chuyện sẽ bị dán miệng!” Cô đặt cuộn băng dính trong suốt trên bàn và dặn dò lớp trưởng.
Lớp trưởng lớp nó tên Hoàng, đó là một thằng nhóc tinh ranh, điều ấn tượng nhất là tai thằng nhóc rất to. Ai cũng bảo thằng nhóc này có tài.
Đối với con bé thì ngoài học giỏi ra thằng nhóc đó chẳng có gì tài cả. Có lần vừa trống vào học được mấy phút, thằng Hoàng cầm thước dạo dạo quanh lớp trông nghiêm trang lắm. Thằng nhóc đi qua chỗ nó, thấy nó ngồi trầm ngâm thì dừng lại.
“Hạ ơi?” Thằng Hoàng cúi đầu gọi nó mấy tiếng.
Con bé im lặng, lạnh lùng nhìn sang nơi khác.
“Hạ ơi?” Tiếng gọi của thằng nhóc cứ như một con muỗi vo ve bên tai, “Hạ ơi Hạ à? Sao cứ im lặng như vậy làm chi?”
“Cái gì?” Con bé trừng mắt nhìn bạn lớp trưởng, vẻ mặt nó hoàn toàn mất hết kiên nhẫn, “Đừng có mà gây sự!”
Mẹ cha thằng lớp trưởng đáng ghét, nó thầm chửi trong lòng.
Bạn Hoàng đột nhiên thay đổi nét mặt, từ gương mặt cười trở nên nghiêm túc, thằng nhóc đập thước lên bàn khiến cả lớp giật mình.
Hoàng vẫy vẫy tay ra hiệu, rất nhanh liền có một thằng bạn nhỏ con khác liền chạy tới như tiểu nhị trong phim Trung Quốc mà nó hay xem.
Con bé bắt đầu cảm thấy có chuyện chẳng lành sắp xảy ra với nó.
“Dán mồm con Hạ lại!” Bạn học Hoàng ngồi trên ghế giáo viên và ra lệnh như đúng rồi.
“Cứ để đó cho tao.” Bạn “tiểu nhị” răm rắp nghe theo.
“…” Bích Hạ quên mất đây là mười lăm phút dầu giờ.
Và sau đó ngồi trong lớp sẽ thấy một đứa con gái miệng bóng loáng bởi một lớp băng dính trong suốt, có lẽ đến lúc cô giáo vào lớp thì miệng nó mới có thể hoạt động trở lại.
Thế nhưng có lúc vận may của nó cũng không được tốt lắm, nhiều khi tâm trạng cô giáo tốt thì sẽ nhắc nhở nó lần sau không được như thế nữa, nhưng gặp hôm cô nằm mơ “đánh con lô tám chín mà nó lại về con chín mươi” thì thực sự không khả quan chút nào.
“Cứ để vậy cho chừa! Lắm mồm lắm miệng cho đã vào rồi không biết nhục!”
Cô đang chửi học sinh tiểu học đó hả?
Khi tiếng trống trường vang lên là lúc học sinh cảm thấy hạnh phúc nhất trần đời. Nhưng điều khiến Bích Hạ cảm thấy phiền não là bạn lớp trưởng như đang cố tình kéo dài thời gian, con bé tức muốn hộc máu.
“Cả lớp! Về nhà!” Lớp trưởng dõng dạc hô.
“Chào bố mẹ chào anh chị! Làm bài tập đầy đủ!” Cả lớp uể oải hô.
“Đến lớp!”
“Chào cô giáo! Chào cô em về!”
Mỗi khi tan học cả trường bỗng trở thành nơi chiến tranh loạn lạc, mỗi cá nhân là mỗi chiến binh đấu tranh lấy xe đạp và mở cuộc thi ai sẽ trở về nhà nhanh hơn. Chỉ khối một, hai, ba mới không đi xe đạp và vẫn phải được phụ huynh đưa đi đón về.
Xung quanh trở nên hỗn loạn và ồn ào.
Con bé ghét sự ồn ào.
Buổi chiều hôm ấy con bé lại được nghỉ học, nhưng nó cũng không cảm thấy vui vẻ gì. Hai bác đều đã đi hái cam và anh Nam thì vẫn học trên lớp. Nó còn sang kiếm thằng Nhân chơi thì thấy bác Bình bảo thằng nhóc đã đi chơi với lũ thằng Hiếu từ trưa rồi.
Con bé đành quay đầu ủ rũ trở về, sau lưng nó còn vang lên tiếng lầm bầm gì đó của bác Bình mà nó nghe không rõ.
Bích Hạ buồn rầu trở về sân nhà ngồi chơi xếp hình một mình.
Nhà hai bác nó và nhà ông Tám nằm sát bên nhau, có lẽ chỉ cần dùng dao chặt đi hàng rào chắc chắn sẽ nhìn nhầm đây là cùng một gia đình có hai gian nhà. Quan hệ giữa hai gia đình cũng khá thân thiết, nghĩ đến đây đột nhiên con bé thấy nhớ nhà mình và nhà chú Nga.
Con bé đang chán nản chơi xếp hình với mấy khối gỗ thì nghe thấy tiếng gọi rất khẽ.
Nó quay đầu tìm kiếm, đôi mắt sáng rực lên, đoán chắc là thằng Nhân gọi nó đi chơi. Nhưng rồi nó đành thất vọng, là ông Tám đứng bên hàng rào vẫy vẫy tay gọi nó. Con bé cũng không thấy phiền, vốn dĩ nó đang chán đến sầu não vì không có gì thú vị.
“Ông Tám gọi gì cháu vậy?” Con bé chạy tới lễ phép hỏi.
“Bác Lam nhà mày đâu rồi?” Ông Tám cười, khóe mắt hiện rõ dấu chân chim.
Con bé thầm nghĩ chắc ông Tám cũng đã hơn sáu mươi rồi.
“Dạ không, hai bác cháu đi làm chưa về.” Con bé thật thà.
“Ơ, thế thằng Nam đâu?” Ông Tám ngạc nhiên hỏi, “Ở nhà một mình đấy à?”
“Anh Nam đi học cũng chưa về ạ, cháu ở nhà một mình.” Con bé nghĩ, nói thêm, “Có việc gì thì ông cứ chờ hai bác cháu về rồi nói ạ, chứ cháu cũng không biết gì đâu.”
Vốn là con bé cũng lười tiếp chuyện và không muốn làm giúp việc gì cho người ta, nó còn nhỏ nên nó sợ nhận lời làm gì đó rồi lại lỡ làm hỏng chuyện thì nó sẽ gánh không nổi.
“Không ở nhà thật à? Dạo này công việc ngập đầy đầu thế…” Ông Tám nhăn mày rồi đột nhiên cười cười với nó, “Hay là cháu qua nhà ông chơi đi, ông cháu mình mở phim xem chờ hai bác của cháu về nhé?”
Ông Tám nổi tiếng cũng là người hiền hòa chất phác, lại còn thường qua cho nó kẹo nên nghe những lời này tự nhiên nghĩ, chắc là qua nhà ông một chút cũng không sao. Hai bác cũng thân với ông ấy, con bé không suy nghĩ gì nhiều, một mạch chạy ra khóa cổng rồi theo ông Tám vào nhà.
Nhà ông Tám cũng thuộc dạng khá giả trong vùng, nó nghe hai bác bảo vàng là thứ đắt tiền, nó thấy cổ ông Tám đeo vàng thì chắc chắn ông ấy có rất nhiều tiền.
Con bé thấy nhà ông giàu cũng không tỏ ra cảm xúc gì, nó nén mình không bật thốt lên kinh ngạc, nó sợ bị chê là quê. Mới đây cũng chiếu một bộ phim Nhật Bản tên “Osin”, nó thấy nhà có tiền chính là làm được tất cả, còn nhà nghèo phải đi giúp việc và chịu đủ sự hành hạ và cực khổ.
Những mặt tường nhà nó chỉ được trám qua xi măng rồi dùng xi quét lên bề mặt, và cuối cùng là sơn màu xanh lam để nhìn không bị trơ. Còn nhà ông Tám tất cả từ sàn nhà đến cây cột hay bức tường đều được lát gạch hoa màu sữa, màu không chói mắt mà cũng không cảm thấy lạnh lẽo.
“Đi, vào đây.” Ông Tám đi vào trong trước, vẫy vẫy tay giục nó.
Con bé cũng không vội vàng gì, nó cố gắng trấn tĩnh đi vào nhà ông một cách nhẹ nhàng, đây là lần đầu tiên nó được đặt chân vào một căn nhà lớn và đẹp như vậy.
Nó thận trọng ngồi trên chiếc ghế đơn không có lưng dựa, nó không dám ngồi trên chiếc ghế sofa mềm mại nhà ông. Ông Tám không nhận ra nó nghĩ gì, ông đưa kẹo cho nó và ngồi xuống bàn tìm đĩa CD để xem.
Trời, còn có cả đầu đĩa nữa.
Nó hơi cảm thán trong lòng, nhưng trên miệng không hề ho he một tiếng nào. Gương mặt nó vẫn giữ nguyên một cảm xúc bình tĩnh như vậy. Nó chăm chú nhìn tay ông tìm đĩa CD mà không hề nhận ra ánh mắt ông có gì đó khác lạ.
Nó không biết ông Tám bật phim gì nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm. Vì ngoài ông Tám ra, vợ ông và con ông hình như không có ở nhà. Dù sao nó cũng là trẻ con, thân thiết đến mấy nhưng lần đầu ở chung với người lớn trong một không gian chật hẹp như vậy cũng khiến nó hơi lo âu.
Ông Tám bật phim người đóng, con bé đột nhiên cảm thấy khó chịu. Tại sao không phải xem hoạt hình thiếu nhi? Rủ trẻ con qua nhà chơi mà mở cảnh xe bus xem? Nó hơi bực mình nhưng không nói một lời nào, nó cúi đầu chán nản ăn bánh, không thèm xem nữa.
Ông Tám lại gần và ngồi ngay bên cạnh nó, con bé hơi khó chịu, ông đột nhiên ngồi gần như vậy để làm gì? Nó len lén liếc mắt nhìn ông và thấy đôi mắt ông vẫn theo dõi bộ phim. Trong Lòng con bé đột nhiên dâng lên một tia cảnh giác.
Tiếng động trong phim đột nhiên rất lạ.
“A… ưm…”
“Yamede…”
Cõi lòng con bé lạnh ngắt, thay vào đó là một cảm giác buồn nôn và sợ hãi.
Đây rõ ràng là phim người lớn!
Lại còn là cảnh tập thể nhiều người cùng trên một chuyến xe bus. Ông Tám có gu thật là mặn mòi.
Nó nhận ra ông Tám ngồi sát bên nó hơn một chút, nó có thể cảm nhận được hơi ấm và mùi dầu gió trên người ông. Bàn tay của ông Tám vòng qua vai con bé, xoa nhẹ.
Kí ức lúc năm tuổi bố cho xem phim người một lần rồi nên con bé đã biết, ông ta chính là đang muốn hiện thực hóa cảnh trong phim, diễn viên là ông ta… và nó?
Ý nghĩ này lóe lên một cái, nó nén nỗi sợ hãi và nhảy phốc xuống, ném cái kẹo trên tay vào mặt ông ta và cắm đầu phóng thật nhanh ra khỏi nhà ông. Nó còn chẳng thèm nghĩ đến chuyện nó hỗn láo nữa.
Nhưng cũng không được quên đôi dép ở lại.
Nó không biết cảm xúc và suy nghĩ của ông Tám hiện tại như thế nào. Chạy về đến cổng nhà nó vẫn không thấy an toàn, nó vào trong rồi khóa trái cửa và ngó qua nhà ông Tám. May quá, ông ta không có đuổi theo.
Vào nằm trong nhà nó mới nhận ra tay chân nó run lẩy bẩy, cả người bủn rủn, tim nó đập liên hồi. Vì thở quá nhanh nên ngực nó hơi khó chịu, nó cố gắng không hét lên thật to, nó cố kìm nén sự sợ hãi…
Mẹ cha ông Tám! Tôi chỉ ăn bánh nhà ông thôi, vậy là ông muốn bắt tôi luôn hả!
Cảm xúc lẫn lộn khiến đầu óc nó hỗn loạn, buồn nôn, tức giận, nhưng nhiều hơn cả là sự sợ hãi.
Lúc này ở một mình nó cũng không cảm thấy an toàn, nó sợ ông Tám sẽ phá cửa hoặc vượt hàng rào qua tìm nó. Nghĩ vậy nó liền run rẩy đóng luôn cả cửa chính từ bên trong, đóng cửa bếp, đóng hết tất cả các cửa sổ trong buồng và phòng khách. Sau đó nó còn bật tivi để vơi đi cảm giác vắng lặng.
Nó sợ, nhưng nó không hề rơi một giọt nước mắt nào.
Nó ghét ông Tám, nó sẽ không bao giờ thèm nhìn mặt ông ta và nhận bánh kẹo của ông ta nữa.
Lúc trước ông Tám lúc nào cũng cười hiền lành với nó và xoa đầu đó và nhìn nó bằng ánh mắt đầu trìu mến, còn cho nó kẹo nữa nên nó mới tin ông Tám. Vì đến cả hàng xóm còn khen ông Tám thương vợ yêu con nữa cơ mà.
Thương vợ yêu con mà bắt con nít nhà hàng xóm vào nhà xem phim người lớn? Đúng là nhân gian mù mắt rồi, mắt sinh ra để nhìn cho có chứ chả thấu được tâm can của lão già này.
Cảm nhận rõ từng cơn buồn nôn ghê tởm cuồn cuộn trong dạ dày khiến nó khó chịu, nó vội vàng rót một cốc nước và uống liền một hơi. Rồi giống hệt như sợ ma, nó chạy luôn lên giường và trùm chăn kín mít chỉ để lộ hai con mắt đang thật sự lộ vẻ sợ hãi.
Chuyện này nếu nó nói ra thì có bị mắng là ngu ngốc không? Hai bác có mắng nó ngơ ngơ tin lời người lạ và ăn bánh kẹo của người ta không?
Nó biết hai bác rất quan tâm chăm sóc nó nhưng nó vẫn rất rõ, nó không muốn làm phiền hai bác nghĩ nhiều. Nhưng nếu nó không nói ra, ông Tám có lẽ sẽ tiếp tục làm vậy với nó, hoặc với những đứa trẻ khác.
Đột nhiên nó nghĩ đến thằng Nhân, lỡ mà thằng Nhân cũng bị ông Tám làm chuyện đáng sợ như vậy thì sao?
Trong phim các cô kia cũng kêu lên vì đấy thôi? Chắc… phải đau lắm, và… đáng sợ lắm…
Vừa nghĩ đến cảnh phim vừa nãy nó lại cảm thấy dạ dày dâng lên cảm giác khó chịu, bây giờ nó phải làm sao? Đầu óc nó trở nên hỗn loạn, nó không biết làm gì thỏa đáng…
Nó còn là trẻ con, nó không biết nghĩ nhiều và làm việc dứt khoát được như người lớn, nhưng lần này nó tự nhắc nhở bản thân phải làm cái gì đó, phải làm một cái gì đó mới bớt đi sự sợ hãi trong lòng.
Trong bữa ăn tối hôm đó, nó vẫn không hề nói ra một lời nào. Lúc ngồi học anh Nam thấy nó cứ nghĩ chuyện gì ở tận đẩu tận đâu, có lẽ những lời anh giảng cho nó nghe nãy giờ đều từ tai trái lọt qua tai phải.