Biến Chất - Chương 2
Người ta nói thời gian chính là kẻ lạnh lùng bào mòn đi tất cả, khiến nó quên đi mọi chuyện rất nhiều, chuyện xảy ra lúc nó sáu tuổi, đến khi mười tám tuổi nó sẽ không còn nhớ rõ nữa. Đôi khi những kí ức vui vẻ đó nó có thể sẽ quên đi rất nhanh, chỉ vết roi trong quá khứ không chỉ hằn in trên da thịt nó mà còn trở thành vết sẹo trong tâm trí nó. Vết sẹo ấy vĩnh viễn sẽ không lành và sẽ thấy ngứa khi có ai đó vô tình chạm phải. Trẻ con luôn luôn nhìn những người cha, người mẹ để học hỏi. Chúng luôn dõi theo từng hành động, từng cử chỉ, lời nói, vậy mà người lớn chẳng ai kiêng dè gì. Bọn họ cứ thế phô diễn cái “chất người lớn” của mình, bởi vì giữa “lớn” và “nhỏ” luôn luôn khác nhau, tụi trẻ sẽ chẳng hiểu chuyện gì đâu.
Bởi lẽ họ là người lớn, họ đã trưởng thành, còn tuổi như nó chỉ là một đứa trẻ con, và đã là trẻ con nên phải dạy từ sớm, phải uốn nắn từ tuổi này thì mới khiến nó trở nên ngoan ngoãn hơn, nghe lời hơn.
Điều đó có chăng bao gồm cả tình dục?
Sáu tuổi, ba nó đã mở phim sex cho nó xem.
Sau này lớn lên, nó cũng chỉ nhớ rằng ba đã cho nó xem phim người lớn, còn nội dung hay mọi thứ nó đều không nhớ, chỉ là… nó cảm thấy có một chút ám ảnh trong tâm trí. Kí ức lúc sáu tuổi nó nhớ rất ít, mà chuyện này nó vẫn nhớ đến tận cuối đời.
À, nó nhớ rằng đó là một bộ phim của Nhật Bản, vì nó rất ấn tượng với bộ đồng phục học sinh váy ngắn caro và áo vest nữ. Nó không biết lúc xem những cảnh ấy, ba nó sẽ có tư vị gì…
Chỉ một lần xem phải phim người lớn mà cả cuộc đời của nó đã thay đổi về sau…
…
Những ngày buồn tẻ của nó trôi qua cũng chẳng được bao lâu, cho đến một hôm nó đi bộ từ trường về nhà, nó đột nhiên cảm thấy là lạ. Hôm ấy nhà nó rất đông, toàn những người lạ mặt mà nó chưa bao giờ gặp. Nó không nhớ hôm đó nó đã làm những gì, nó không nhớ có bao nhiêu người đến, mọi thứ đường như bị lu mờ và bị phủ một lớp bụi vô tình khiến nó ngu ngơ không hề nhận ra, không hề hay biết một người quan trọng nữa sẽ rời xa nó trong hôm nay…
Nó chỉ nhớ một điều, hôm đó là ngày cuối cùng ba nó còn ở lại đây với nó. Không. Không phải cuối cùng, là ngày đầu tiên mà nó xa ba nó lâu đến như vậy. Sau hôm ấy, nó được các bác cho biết, ba con đã đi nước ngoài rồi.
Ba nó đi lúc mà nó đáng được cần ba nhất. Mẹ không còn từ lâu, nó biết nó không có mẹ, và bây giờ ba nó cũng đi…
Nó ngơ ngác đến đần mặt ra, tại sao nó không biết? Nó trở nên chậm chạp và không muốn để ý những thứ xung quanh từ bao giờ vậy? Mọi thứ đều nhạt nhòa trước mắt nó. Thậm chí, khi biết ba đã đi nước ngoài, nó đã chẳng đáp lại câu gì…
Ba đã đi thật à?
Ba đã không nói gì với nó, ba không trực tiếp nói với nó ba đi đâu và ba đi đến khi nào sẽ trở về, ngày đến sân bay nó cũng không được đi tiễn, nó cũng không nhớ ba đã ôm nó, hôn nó, rồi dặn dò nó… Nó ngơ ngác nhìn ba bước lên taxi rời đi, nó ngơ ngác nhìn chiếc xe khuất dần, nó ngơ ngác nghe theo lời bác gái dặn nó thu xếp đồ đạc…
Những tháng ngày sau đó thì sao? Nó có nhớ ba không? Nó có hỏi về ba không? Nó không biết…
Có lẽ có, mà có lẽ không…
Nó không còn hiếu động như lúc nó ba hay bốn tuổi, nó không còn cảm thấy vui vẻ khi ở bên ba, không còn cảm thấy gì cả. Mọi thứ trong đầu nó đều mơ hồ, có lúc nó hỗn loạn, có lúc nó ngẩn ngơ nghĩ về một ngày xưa cũ. Nó thấy bà nội cầm gậy đánh nó vì nó hỗn láo, nó lấy ông nội nhai trầu và cắn vào tay nó đến khi nào nó khóc thét và để lại dấu răng màu bã trầu mới thôi.
Nó đi học cùng bạn bè cùng thôn nhưng có vẻ nó chẳng được chào đón cho lắm, trên đường từ trường về nhà bác nó luôn bị các bạn bỏ lại phía sau với những con chó dữ. Nó cũng sợ chó từ đấy, nó bị bỏ lại phía sau và con chó thấy nó chỉ một mình nên đã rượt theo, nó đã vừa khóc vừa chạy đến ngã trầy cả đầu gối.
“Sao lại ngã thế này? Trên lớp bị ai bắt nạt à?”
“Dạ không ạ…”
“Ôi trời đất ơi, đi đứng kiểu gì mà…”
Nó không nói ra, nó không dám nói ra, lí do tại sao thì nó không biết. Có lẽ nó sợ… nó sợ khi nó kể ra, mọi người cũng sẽ phớt lờ nó, như lúc nó cầu xin ba nó đừng đánh nó nữa…
Không một ai biết bé gái sáu bảy tuổi có những suy nghĩ như vậy trong đầu, không một ai biết, vì nó nói dối rất nhiều lần, chẳng biết từ lúc nào nó đã học được cách nói dối.
Lần đầu bước vào lớp một nó thấy nhiều đứa đã òa khóc đòi theo mẹ về nhà, còn nó thì không. Nó chỉ biết đứng trân trân nhìn những đứa trẻ ấy mà tự hỏi, đi học thôi mà, tại sao lại không muốn?
Bởi vì người cầm tay nó bước vào lớp một không phải là ba nó, càng không phải là mẹ nó, mà chính là bác nó.
Chính là bác, không phải bố hay mẹ, nên nó không thể làm nũng, không thể xin cái này xin cái nọ, nó là đang ăn nhờ ở đậu tại nhà bác. Những tưởng là chỉ ăn nhờ ở đậu thôi, hai bác nuôi không nó, nhưng sau này nó mới biết, mỗi tháng ba nó đều gửi về bốn triệu đều đặn, ba bảo đấy là tiền ăn học của nó.
Một thời gian đầu khi đến sống cùng với hai bác và người anh họ học cấp ba khiến nó cảm thấy chưa quen lắm. Mọi thứ đến quá đột ngột khiến nó chưa kịp thích ứng, chưa kịp nhìn ra thật sự nó không còn sống ở căn nhà mà nó đã sinh ra nữa. Tại sao nó phải sống cùng bác gái, tại sao nó không thể sống cùng bà nội và ông nội?
Đột nhiên, nó thấy nhớ nhà.
Cảm giác này bỗng nhiên dâng lên như thủy triều, nó không nhẫn nhịn được, nó muốn về nhà, nó cảm thấy ngột ngạt vì mọi thứ, mặc dù lúc nào nó cũng phải tỏ ra mình đang vui vẻ.
Nó muốn khóc. Nhưng nó không dám khóc.
Nó cũng thấy nhớ ba rồi, nó nhớ mùi trên áo ba mỗi đêm ngủ. Mặc dù ba đánh nó, ba chửi nó nhưng mỗi đêm người ôm nó trong vòng tay chỉ có ba của nó. Là ba mà thôi, nó muốn được gặp lại ba nó, muốn được ba ôm hôn, muốn nghe lại những điều mà ba nói với nó trước khi đi. Đột nhiên nó cảm thấy nó tệ hại, nó là một đứa con hư hỏng, nó không nghe lời ba, nó còn không rơi một giọt nước mắt nào khi ba đi xa…
Nó bỗng cảm thấy hối hận, nó chán với cái cảnh sống cùng với những người mà nó không thể gọi là cha là mẹ như anh họ của nó.
“Hạ ở đây là phải nghe lời hai bác, không giống như Hạ ở nhà Hạ nữa đâu nghe không? Các bác nói là phải vâng lời, làm sai là bị phạt, anh Nam cũng thế, Hạ biết chưa?” Bác gái ôn tồn dạy bảo.
“Dạ biết.” Nó nhỏ giọng đáp lại.
“Ha ha, Không nghe lời là xơi “gậy” nghe chưa?” Anh Nam cười cười, bàn tay trở đôi đũa gõ vào đầu nó.
Nó nhăn mặt nhìn anh.
“Không đùa với anh đâu.”
“Gớm, lúc bé trêu anh sao bé không nói thế.” Anh Nam đổi thái độ bĩu môi.
Bố anh lại nhăn mặt quát nhẹ: “Cái thằng khỉ này! Mày không trêu em mày không được à?”
“Ơ… con có trêu nó đâu, lúc nãy nó còn dí dí nắm đấm trước mặt con nữa kìa, sao bố không đánh nó?” Nam phân minh, anh cảm thấy mình quá thiệt thòi, từ khi con bé này đến nhà sống chung, mọi thứ anh đều phải chia cho nó, thậm chí còn phải nhường nó.
“Tại anh Nam đánh cháu trước, chứ cháu không trêu anh ấy.” Con bé cũng cãi lại.
Lúc này bác gái mới lên tiếng: “Thôi thôi, yên lặng đi, ăn xong rồi thì việc đứa nào đứa nấy làm, còn Bích Hạ ăn no rồi thì đi ngủ để chiều còn phải đi học.”
Mỗi buổi sáng nó thức dậy, không còn là những lần đi bộ đến trường nữa, mà là những trận la hét mà cả thôn ai cũng nghe.
“Nam! Hạ! Hai anh em dậy đánh răng rửa mặt ăn cơm mau lên!”
“Ơ hơ hơ…” Anh Nam rất lười, anh ấy phải ơ hơ khoảng năm đến mười phút nữa mới chịu mắt nhắm mắt mở dậy đi đánh răng.
Vì thấy anh Nam dậy muộn, nên nó cũng thường theo gót anh mà cùng đồng hành, chắc bệnh ngáp ngủ là bệnh truyền nhiễm nhanh nhất mà nó từng thấy.
“Thằng khỉ này! Mày là anh thì phải gương mẫu, dậy sớm đánh răng rửa mặt ăn sáng cho em nó học theo.” Bác gái chống hai tay bên sườn hét lớn với anh rồi quay sang nhìn nó rồi hạ giọng, “Hạ, nhớ là sáng nào cũng phải dậy sớm để có thời gian ăn cơm, nếu không sẽ muộn học, muộn học sẽ bị cô phạt, mà cô phạt sẽ bị bạn bè chê cười có biết không?”
“Dạ vâng ạ…” Nó ngái ngủ đáp.
Con bé chẳng có lòng tin rằng anh Nam sẽ thay đổi, anh chẳng bao giờ có thể làm được một tấm gương sáng để noi theo được. Đơn giản là có nhiều lần anh về kể với hai bác mấy chuyện không được tốt đẹp về nó.
“Trời ơi, bố mẹ biết không, con Hạ nó có chịu nghe thầy cô giảng gì đâu. Con đứng bên cửa sổ nhìn vào mà thấy nó vừa ngoáy mũi vừa nói chuyện với thằng bên cạnh. Ngao ngán trời đất…”
“Em đâu có ngoáy mũi!” Nó gân cổ lên cãi lại cho bằng được.
Anh Nam thấy mặt nó vẫn trắng bệch nhưng tai lại phiếm hồng thì thấy thú vị, anh sờ sờ tai nó: “Ô hay, chưa gì đã xấu hổ rồi này…”
Từ đó nó không muốn để ý tới anh Nam nữa.
Mà cũng lạ, nó cảm thấy anh Nam nhiều khi hay cáu gắt và trêu chọc nó nhưng nhiều khi cũng rất tốt bụng nhường nhịn nó lắm. Chả biết hai bác trông nghiêm khắc thế kia mà đẻ ra đứa con trai tính cách như bà thím làng bên. Bích Hạ cảm thấy tốt nhất không nên dây dưa nhiều với anh trai hờ này, nó sợ một ngày nào đó mình cũng bị lây cái tính cách dở dở ương ương ấy.
Mọi thứ đều diễn ra chỉ trong hai năm ngắn ngủi, mà nó tưởng như cả cuộc đời này chính là đây, chính là nó được nở nụ cười mỗi ngày. Nó dường như quên đi những quá khứ buồn bã cô đơn trước kia. Cái quá khứ mà không ai dạy nó đánh răng, không ai cho phép nó nuôi tóc dài để nó nhận ra tóc nó đẹp cỡ nào, không còn ai đánh đòn ép buộc nó ăn trong nghẹn ngào, không có ai dạy nó đi phá làng phá xóm nữa…
Ở với hai bác thì cũng vui, nhưng mà nó cũng rất biết thân biết phận chẳng bao giờ gây chuyện hay hách lối. Nhưng cái đinh mang tên “Nam” này nhiều lần khiến nó khóc thét, nó khá hoài nghi anh Nam có phải là con rơi hai bác nhặt ngoài đường về không mà thói xấu lắm thế.
Thế nhưng nó cũng tình nguyện bị lừa, bị làm chân sai vặt.
“Bé ơi!” Anh Nam nhảy lên giường và gọi nó, anh biết con bé thích xem hoạt hình nên nhân cơ hội sai vặt nó.
“Dạ!” Con bé chạy từ bếp lên, liền thấy anh Nam đang mở kênh hoạt hình mà nó thích nhất. Mắt nó sáng bừng lên, “A! Mật mã Lyoko!”
“He he…” Anh Nam cười híp mắt, mỗi khi anh cười đôi mắt anh híp lại và khoe hai hàm răng trắng muốt, “Muốn xem không hả bé?”
“Dạ có!” Con bé vội vàng đáp luôn, chưa dứt lời thì nó đã nhảy lên giường nằm bên cạnh anh.
“Khoan khoan…” Anh Nam lườm nó, “Em phải đấm bóp cho anh thì anh mới cho em xem, còn không…”
“Dạ dạ, em đấm bóp cho anh là được chứ gì. Chuyện nhỏ như con thỏ!” Con bé chưa nghe anh nó nói hết câu đã vội vàng ngồi dậy đấm bóp vai cho anh, trong đầu thì lại thầm khó chịu. Sao không tự đi mà bóp, tay chân anh cụt hết hay sao.
Ấy thế mà mấy trò mèo của anh Nam chẳng dừng lại ở đó, anh không chỉ có năng khiếu Bích Hạ tức chết, vừa khiến cho Bích Hạ phải bái phục trước mấy cái thói xấu đó. Đâm ra nhiều lần nó không dám nghĩ rằng phải chăng nó đang làm trò tiêu khiển cho anh. Đó là những lúc mà đồng hồ điểm mười giờ.
“Hạ ơi, tối ngủ phải cẩn thận đó nha…” Anh Nam lúc này cười trông gian trá cực kì.
“Trời mùa hè nóng, anh đừng có mà gác chân lên người em.” Nó không thèm quan tâm nụ cười thiếu đánh của anh, nó chỉ cảm thấy bực bội khi nhiều đêm cứ tỉnh dậy thì chân anh nằm vắt qua bụng nó khiến nó cảm thấy khó thở và nóng nực.
Đã vậy anh lại còn tắt quạt đi.
“He he…” Anh Nam không để tâm nó tức giận ra sao, “Em cứ nhìn qua cửa sổ mà xem, một bóng đen sẽ hiện lên… hù ù ù ù…”
Vừa nói anh vừa hừ hừ diễn tả con ma khiến nó thật sự phải lạnh gáy.
“Con ma sẽ thò tay từ những song cửa…” Đang nói chậm rãi rồi đột nhiên anh vùng dậy chồm lên người nó một cái khiến nó giật bắn mình.
Con bé giật mình tát anh Nam một cái.
Khó có thể tả được cái mặt như dẫm phải cứt chó của anh lúc ấy.
Nhưng anh Nam đột nhiên mở lòng từ bi, không đánh mắng nó, nhưng lại không hề rút lại mấy lời hù dọa con nít: “Dám đánh cả anh, con ma ghét mấy đứa bé hư hỏng lắm nhé. Nó sẽ tóm lấy chân em và lôi ra ngoài cửa sổ để ăn thịt… khà khà khà…”
“Anh im đi!” Con bé mếu máo, chút áy náy vì cái tát ban nãy bỗng chốc biến mất tăm, thay vào đó là thầm rủa sao người như anh còn sờ sờ đến vậy mà ma không bắt đi, con ma cũng bị ngu rồi, “Không biết đâu, anh ngủ ở phía cửa sổ đi, em nằm ngoài…”
“Không trốn được đâu…” Anh Nam lắc lắc ngón trỏ, tay kia xoa xoa cái má, “Nó sẽ thò tay từ dưới gầm giường… và…”
“Hu hu hu…” Con bé lúc này mới chịu không nổi, anh Nam lúc nào cũng kể những câu chuyện ma quỷ khiến nó nhiều đêm không dám ngủ. Có đêm nó còn nằm chen ra ngoài khiến anh gần như muốn lăn xuống giường.
Khốn khổ hơn nữa là trời vào mùa hè, nó lại phải chịu nóng để cuốn chăn thật chặt, đến nỗi mồ hôi mồ kê ướt cả ra.
Hai bác nhiều khi mắng anh không được trêu nó nhưng anh Nam vẫn chứng nào tật nấy, anh luôn xem chuyện đó là một chuyện vui giải trí mỗi ngày.