Biến Chất - Chương 1: Bí mật của tuổi thơ
Dưới căn bếp lụp xụp là một bà lão lưng còng đang ngồi thổi lửa, có lẽ bà ngồi ở đó đã lâu. Ánh lửa bập bùng trong bếp khiến bà cảm thấy làn da đồi mồi trên đôi chân của bà có chút ngứa. Bà vừa cầm que củi cời lửa vừa gãi gãi bắp chân gầy yếu. Trên mặt bà đã đầy những nếp nhăn và hai bên má có hơi chảy xệ xuống, trông bà như đã hơn tám chục tuổi.
Một bé gái chừng bốn tuổi từ đâu chạy tới, bé mang một đôi guốc gỗ đã cũ, có thể thấy một chiếc đinh đã bị rời ra từ lúc nào khiến quai có hơi rộng so với chân bé. Bé gái chạy lọc cà lọc cọc khiến bà lão cảm giác như nghe tiếng vó ngựa, chỉ có điều con ngựa này là ngựa non ham chơi.
Gương mặt bé con mũm mĩm dễ thương, trông rất giống búp bê khiến ai nhìn vào cũng muốn véo một cái, nó chạy tới ngồi xổm bên cạnh bà, cất giọng nói non nớt.
“Bà nội ơi bà nội, khi nào ba cháu về?”
Bà cười, trông gương mặt bà càng thêm hiền hòa, giọng nói cũng đã già nua cùng với cái miệng móm có hai hàm răng đã rụng gần hết.
“Ba con phải đi làm chứ, không thì lấy gì mà nuôi bé con của bà…”
Bà thấy đôi tay của bé hơi lấm, bà dùng đôi bàn tay gầy gò của mình áp lên tay nó rồi xoa xoa.
Bé con xụ mặt xuống, từ trước tới nay bé lúc nào cũng ở bên ba tới mức ba bé cũng phải nói: “Ba và con như đầu gối và bắp chân, lúc nào cũng phải ở cạnh nhau.”
Lâu nay ba càng ngày càng đi nhiều, đi lâu, và hình như là đi xa nữa, có khi đến tận nửa đêm ba mới về. Mà lúc ấy bé ngửi thấy trên người ba có mùi gì nồng lắm.
“Bà nội ơi, nếu tối ba về sớm, bà nội xin ba cho cháu đi cầu Hiếu chơi nhé?”
Đôi mắt to tròn của bé nhìn bà nội chằm chằm, bà nội giống như đã ngủ vậy, mắt bà lúc nào cũng lim dim.
Bà lão nheo đôi mắt để nhìn bé con rõ hơn, xoa đầu con bé. Bà nội không đáp lời con bé, bà chỉ âm thầm thở dài.
Có lẽ trên quãng đời còn lại của bà, bà chỉ còn thứ quan trọng nhất chính là đứa cháu tội nghiệp này. Con bé đã không còn mẹ khi mới chín tháng tuổi khiến ba nó phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Lúc ấy nó cũng không mạnh khỏe gì cho cam, nó vẫn còn phải bú sữa mẹ. Bởi vì khi mang thai con bé, mẹ nó đã bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Bà cảm thấy tội lỗi một phần nào đó, trước kia cũng có nhiều nguyên nhân do bà đã dồn nén quá mức đối với đứa con dâu hiền lành và khờ dại. Phải, mẹ của nó đáng lẽ ra sống được nhiều thời gian hơn nữa, nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở tuổi hai mươi mốt.
Nghĩ lại thấy thương, mẹ nó đẹp mà bạc mệnh.
Con bé cứ giữ tâm trạng bất an vì sợ tối nay ba lại về muộn như thế chưa được năm phút, lại thấy thằng nhóc ở nhà ông Mai bên cạnh chạy qua chơi.
Thằng nhóc hình như cũng bằng tuổi con bé, nhưng mà trông có da có thịt hơn con bé nhiều. Nó không phải là gầy trơ xương nhưng cẳng chân cẳng tay chỉ hơi nhỏ một chút so với các bạn đồng trang lứa. Nhiều khi bà nội cũng phải than, nhà nghèo quá, không có lấy miếng thịt lợn mà ăn.
“Chị Hạ ơi, hôm qua ông em nói là không được qua đây chơi với chị đấy, ông còn mắng em nữa…”
Con bé hơi ngớ ra, thằng nhóc này sống cùng gia đình ở miền Nam, chỉ nghỉ hè mới thỉnh thoảng về thăm ông bà nội chơi nên nói giọng hơi khó nghe, nó phải mất vài giây sau mới hiểu thằng nhóc nói gì.
“Sao lại bị mắng, hôm qua chơi vui mà.”
“Đâu chỉ có mắng, mấy viên kẹo hôm qua chị cho em là thuốc tây của bà nội chị đúng không?” Thằng nhóc có vẻ nói bằng giọng mũi.
“Là kẹo đó chứ.” Con bé vẫn khăng khăng nói.
“Ông nội em mắng em một trận, còn bảo không được ăn bừa, không được qua đây chơi với chị nữa…” Nói xong thằng nhóc còn ho vài cái.
Thằng nhóc thấy con bé không tin, còn móc trong túi quần rồi xòe tay cho con bé thấy.
“Đây này, em ăn rồi, đắng lắm.”
“Không có đắng, ngọt mà.”
“Đắng lắm í, thử hỏi bà nội chị có mất thuốc không.”
Con bé ú ớ không biết nói gì, vì đúng là nó lấy của bà nội thật. Nhưng hôm qua con bé đã ăn một viên khác và thấy thật sự có vị ngọt, con bé thấy trong túi bà có nhiều, cứ tưởng là kẹo nên lấy vài viên đem ra khoe với bọn nhóc.
Còn thằng nhóc này, nó tên Khánh, còn kém con bé một tuổi. Con bé thấy thằng Khánh cao hơn mình thì cứ tưởng bằng tuổi, vui chơi không biết suy nghĩ gì. Mà vốn thực sự con bé chẳng suy nghĩ được gì.
Nói về câu chuyện lâm li bi đát của Khánh, hôm qua thấy thằng nhóc cầm viên thuốc bỏ vào mồm, ông Mai hoảng hốt, truy hỏi thuốc này ở đâu ra mới biết đó là con Bích Hạ cháu ông Kế ở nhà bên cho.
Sau chuyện đó thì trong cái thôn An Ninh này mọi người đều biết con Bích Hạ nổi tiếng nghịch ngợm, mà cũng không phải nghịch khôn gì cho cam. Ai cũng cho rằng con bé sẽ chẳng thể học được gì khi có một người cha vừa rượu chè nhậu nhẹt lại còn nổi tiếng thích phá phách. Nhìn trên tay cha nó đi, có xăm chữ “khát”, là khát gì? Khát tình? Khát rượu? Hay khát gái?
Từ đấy ai cũng gọi ba nó là Tân Hợi, sau này con bé mới biết, ba nó sinh vào năm Tân Hợi, tên cũng là Tân, quả nhiên tên người ta đặt cho vẫn rất hợp.
Lâu nay chỉ có nhà chú Nga thường xuyên qua lại với gia đình nó, hai ngôi nhà được nối với nhau một con đường mòn và sau này lại bị chắn bởi một hàng rào bằng cây gai để phòng mấy đứa trẻ tụ tập lại với nhau nghịch phá, nguồn cơn đều đến từ con bé Bích Hạ – con gái của Tân Hợi mà ra.
Nhà chú Nga có một cây xoan rất cao ở sau vườn, cái cây nằm gần phía cổng nhà nó. Một lần nó thấy em họ của chú Nga, chính là chú Ngô, đang trèo cây bẻ lá xoan cho bầy dê ở nhà ăn thì đúng lúc ba nó hôm ấy ở nhà.
“Con có biết ai đó không?” Ba nó ôm nó hỏi.
“Chú Ngô hả ba?”
“Không phải.” Ba nó cười, chỉ người đàn ông da ngăm đen đang ở trên cây kia, “Gọi Ngô Cáo đi con.”
“Ngô Cáo.” Nó nghe lời gọi, còn có cảm giác cực kì thoải mái khi gọi, vì nó được đôi tay trơ xương của ba nó xoa đầu mà.
Từ trên cây vang lên tiếng chửi ầm ầm.
“Mẹ cha thằng Tân Hợi! Dạy con cho tử tế vào!!!”
Càng nghe người đó chửi ba nó lại càng cười to, mà thấy ba cười chính là ba đang vui nên con bé cứ tiếp tục lớn giọng.
“Gọi đi con, có ba đây, không ai dám đánh con đâu!”
“Ngô Cáo! Lêu lêu Ngô Cáo!”
“Con hạ cứ học theo bố mày rồi sau này có bốc cứt ăn mà sống con ạ!”
Ba nó cười một tràng dài, con bé cũng cười theo ngây ngô.
Nếu sau này con bé vẫn còn nhớ được những chuyện này, chắc nó sẽ thầm ước giá như nó không được sinh ra đời, nó muốn chui trở lại vào trong bụng mẹ.
Khi nó đến tuổi đi học mẫu giáo, đối với nó mà nói, đó là quãng thời gian nó không muốn nhớ nhất. Năm ấy nó thấy ai cũng được mẹ đưa đến trường, đó là lần đầu tiên con bé biết ghen tị và hụt hẫng. Nhưng nó không dám nói ra với ai, sự tức giận của nó, sự ích kỉ của nó, ngay từ bé đã thế, nó luôn quen với những cảm xúc đã được nó giấu kín trong lòng, nó cảm thấy nó không thể nói ra được với người nào, kể cả ba nó.
Chẳng biết nó đã học thói quen ấy từ ai.
Mỗi ngày nó cũng không nhớ là ai đã đưa nó đi học, nó chỉ nhớ từ lúc nó bước chân vào trường mẫu giáo cũng chính là lúc nó cảm thấy xa ba nó nhiều hơn.
“Bà ơi, ba cháu sao lâu về quá vậy?” Con bé ngồi ôm đầu gối, ngồi bên cạnh bà nôi đang nheo mắt xem ti vi.
Bà nội quay sang xoa đầu nó, nén đi tiếng thở dài trong ngực, bà mỉm cười.
“Ba sắp về rồi, nhưng mà ba cháu đang mệt lắm, chốc nữa ba cháu có nói gì thì cháu cũng đừng buồn nhé, cháu đi ngủ đi.”
“Bà nội, cháu không ngủ được.”
“Vậy bà hát ru cháu ngủ nha.”
“Dạ.”
“À a à à ơi… con ơi con ngủ cho ngoan ơ hờ… để mẹ đi cấy ơ ờ…”
Tiếng ru êm ái bên tai khiến cõi lòng nó bình yên hẳn lại, chỉ một chốc sau nó đã chìm vào giấc ngủ thật sâu.
Bà nội không biết nói gì để con bé vui vẻ, bà lúc nào cũng chỉ biết thở dài. Thằng Tân một mình gồng gánh nuôi cả gia đình bốn người, lại còn vướng cảnh gà trống nuôi con. Tất cả đều trở thành gánh nặng trên vai Tân, mệt mỏi, cô độc, những điều đó đều trở thành sự dồn nén bức xúc lâu ngày và khiến Tân tìm đến bia rượu.
Tính cách thằng Tân bà đều hiểu rõ, hắn là một kẻ nóng tính và cực kì gia trưởng. Con bé còn nhỏ nên ba nó không đánh đập nhiều nhưng ai biết lớn lên con bé sẽ phải chịu khổ như thế nào. Vợ hắn cũng là vì một phần nào lí do đó mà chọn cách ra đi.
Bà nghĩ nghèo cũng là một cái tội, nghèo thì lúc nào cũng gặp xui rủi…
Nhiều khi con bé hỏi mẹ nó ở đâu, bà lại cảm thấy ngực bị ai đó đấm một cái khó thở. Bà không dám nói cho con bé biết sự thật, nếu muốn nghe, phải để ba nó trực tiếp nói với nó tất cả.
Hằng đêm ba nó không còn chở nó ngồi đằng trước trên chiếc xe máy cũ kĩ đến cầu Hiếu ngắm nhìn dòng người qua lại, ngắm nhìn cơn ồn ào và ngắm nhìn ánh đèn đêm sáng rực giữa bầu trời đêm.
Cầu Hiếu không biết đã được xây dựng từ khi nào, cây cầu nằm vắt ngang sông Hiếu khoảng chừng đã rất lâu nhưng cho dù bị gió bão bào mòn vẫn rất vững chãi.
Ban ngày dòng người ngược xuôi đến nơi làm việc, đến trường, có lần người ta còn thấy có bác nông dân giả vai Thánh Gióng cưỡi trâu nghênh ngang qua đường. Ban ngày cây cầu mộc mạc đơn sơ bao nhiêu thì ban đêm nó rực rỡ bấy nhiêu. Bích Hạ rất thích ngồi ở đằng trước xe, dáng người con bé nhỏ nhắn nên ngồi có vẻ rất dễ dàng, nó rất thích cảm giác ba nó một tay lái xe còn một tay che mũi và miệng nó lại để ngăn không cho bụi bay vào trong mặt nó.
Nhưng đã rất lâu rồi, nó không còn có được cảm giác như thế nữa.
Nó cảm thấy chán nản và bực bội, có lẽ đó là những điều khiến nó trở nên cáu gắt. Nó không còn ngoan ngoãn như lúc ba hay ở nhà với nó.
Bà nội nó nhiều lần an ủi nhưng nó lại vùng vằng bỏ đi, lâu dần nó cũng không còn nghe lời bà nội, nó không tin những câu chuyện bà nội kể nữa, nó muốn ba nó ở bên nó như ngày trước. Bởi bà cứ nói dối nó, lừa ba nó sắp về, lừa lần một lần hai nó còn hy vọng, mà lần nào cũng vậy thì nó làm trái lại với tấm lòng của bà nội nó, đâm ra ghét ngược lại bà.
Có những đêm con bé nằm cạnh ba, ba vẫn thường hay nói đùa: “Con gái rượu ơi, ba chết đây…”
Lúc đó nó sẽ nghĩ là thật, nó sợ hãi, nó cô đơn, nó òa khóc: “Không! Ba đừng chết! Ba mà chết con ở với ai?”
Rồi ba nó ngủ thiếp đi, nhiều lần như vậy nó đều sợ hãi, cõi lòng nó bị đè nặng đến nghẹt thở. Nó không muốn!
Biết là ba nói đùa, nhưng cảm giác một ngày nào đó mất đi một người quan trọng với nó nhất trần đời, một người yêu nó nhất trần đời, một người vì nó thiếu sữa mẹ mà ôm nó đi xin sữa trong đêm mưa, một người cha, một người mà nó không muốn rời xa… nó sẽ sống như thế nào đây?
Con bé nhìn ba nhắm nghiền đôi mắt và ngủ say, nó tự hỏi ba nó đã ngủ hay đã chết? Nó khóc nấc trong đêm tối, ba nó mãi mãi sẽ không nghe thấy đâu, tiếng khóc của một đứa trẻ cô độc nhất cuộc đời, và trong cơn mê nó vẫn thổn thức…
Ba ơi, nếu ba chết, con sẽ chết với ba…
…
Nó bước vào lớp một và lần đầu tiên đến lớp ai cũng nhìn nó chằm chằm, nó sợ hãi những ánh mắt ấy. Mặc dù nó không hiểu tại sao nó phải sợ…
Ba nó không cho phép nó để tóc dài, mỗi lần tóc mọc dài đến tai ba sẽ cạo trọc đầu nó. Nó không hiểu bất cứ thứ gì về tóc tai trang phục, hay giới tính mà một đứa bé gái nên có và cần biết. Không ai dạy nó phải làm gì, ngoại trừ… ba muốn nó là con trai.
Vậy thì nó sẽ là con trai.
Nó không biết làm thế nào để nhận ra một sự thay đổi nào đó của một người, nó không nhớ rõ và nhìn ra từ lúc nào, ba nó thường xuyên đánh nó, cho dù những lần đánh đó nó đều không hiểu lí do.
Lúc trước ba không bao giờ đánh, ba luôn luôn ở bên cạnh và nói lời dỗ dành. Nhưng từ lúc nó vào học, ba không cho nó đi chơi cùng những đứa trong xóm, nó cãi lại, và ba đã tát nó.
Nó nhớ mãi cái tát ấy, trận đòn ấy.
Có đôi khi là những trận đòn lúc ăn cơm vì nó chỉ ăn được nửa chén.
“Ăn cơm! Không ăn tao đánh chết mày!” Ba quất cái roi được bẻ từ cành đào vụt mạnh xuống nền nhà.
“Hức hức…”
“Tao đếm từ một đến ba mà mày ăn không hết bát cơm này thì mày no đòn với tao!” Ba nó giận dữ quát lên.
“Hức… hức…”
Nó nén tiếng nấc nới cổ họng, nước mắt giàn giụa, nó có thể nếm được vị mặn của nước mắt khi cố sức nhét thìa cơm thật đầy vào cổ họng.
“Một!” Ba nó gằn giọng.
“Hu hu hu…” Nó càng khóc to hơn, và cơm nhanh hơn.
“Hai!”
Con bé cuống cuồng lùa cơm vào miệng như hổ đói, nó ăn đến khốn khổ, nó còn không kịp nhai mà tống hết luôn xuống cổ họng. Nước mắt chan cơm hóa ra không phải để nói đùa, thật sự có những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa.
“Ba! Cái thằng cha mày! Ăn hết cho tao!” Kèm theo đó là tiếng roi quất vào da thịt nghe đến rợn người và tiếng khóc chói tai muốn thủng cả màng nhĩ.
Nó vốn kén ăn, nhưng mỗi bữa ăn ba nó đều để cây roi ở bên cạnh, lúc nó không chịu ăn sẽ vụt nó mấy cái. Nó thật sự không muốn như vậy nhưng mỗi lần nhìn thấy ba trở về nhà cùng với mùi rượu nó đều sẽ sợ hãi.
Cái thói lề này chắc hẳn là từ thời ông nội để lại, nghe nói ngày xưa ba nó cũng thường xuyên bị ông nội “tẩn” vì tội hỗn xược, không nghe lời. Nghĩ lại thì làm gì có ai là muốn gì sẽ được nấy. Trong lúc túng quẫn làm liều, người ta trong cơn nghèo đói hao tâm tốn sức suy nghĩ đủ điều để lo cơm áo gạo tiền, về nhà hẳn là muốn trút phần nào cái nỗi lo ấy.
Trẻ con đáng yêu, nhưng cũng có lúc cái sự hồn nhiên ngây ngô ấy khiến những kẻ khốn cùng phải ghen tỵ.
Nó sợ ba, sợ đúng với nghĩa đen.
Không ai biết con bé đã chịu những trận đòn như vậy, điều khiến nó thất vọng nữa là, mỗi lần ba đánh nó xong, khi tỉnh táo lại sẽ ôm lấy nó và hỏi: “Ba đánh có đau không?”
Lúc ấy nó không nói gì, nó không dám nói gì.